“Thành Phố Trong Lòng Thành Phố: Từ Góc Nhìn Khoa Học”

“Thành Phố Trong Lòng Thành Phố: Từ Góc Nhìn Khoa Học”

Từ ngày 2/7/1976 đến nay, TPHCM luôn luôn là đầu tàu trên nhiều lĩnh vực, xứng đáng với niềm tin yêu của Nhân dân và sự tin tưởng, kỳ vọng của Đảng và nhà nước.

Kể từ khi thành phố Sài Gòn – Gia Định chính thức mang tên thành phố Hồ Chí Minh – từ ngày 2/7/1976 đến nay, TPHCM luôn luôn là đầu tàu trên nhiều lĩnh vực, xứng đáng với niềm tin yêu của Nhân dân và sự tin tưởng, kỳ vọng của Đảng và nhà nước.

Dù ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid 19, nhưng năm 2020 vừa qua, TPHCM vẫn là địa phương duy nhất có tăng trưởng tốt và đóng góp ngân sách nhiều nhất cho quốc gia với hơn 22%. Tuy nhiên theo dự báo nếu không có chiến lược phù hợp cho tương lai, thì sự phát triển của Thành phố sẽ gặp nhiều thách thức. Xuất phát từ dự báo đó, lãnh đạo TPHCM đã hình thành đề án phát triển Thành phố về phía Đông theo hướng sáng tạo tương tác cao. Trên cơ sở ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia đã hình thành ý tưởng cho ra đời thành phố Thủ Đức để hợp nhất 3 quận phía Đông thành đô thị hiện đại. Và chỉ trong thời gian ngắn từ ý tưởng tốt, đề xuất hợp lý, có cơ sở khoa học đã được Chính phủ, các bộ ngành đồng thuận và trình Quốc hội thông qua.

Trước khi có đề án thành lập thành phố Thủ Đức, khu Đông TPHCM với ba quận: Quận 2, Quận 9 và Thủ Đức là một trong những nơi có tình hình kinh tế – xã hội phát triển nổi bật so với các vùng khác. Khu vực này tiếp giáp với những địa phương có nền kinh tế năng động như: Đồng Nai, Bình Dương… Theo các chuyên giá kinh tế, chính sự vươn lên mạnh mẽ của Bình Dương hay Đồng Nai cùng với TP.HCM, mà cụ thể là khu vực phía Đông sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của cả khu vực.

Những khu vực được xem là hạt nhân của Thành phố Thủ Đức hiện cũng đã và đang dần thành hình. Trong đó, Khu đô thị mới Thủ Thiêm với diện tích 657 ha, bao gồm khu trung tâm thương mại, tài chính, khu dân cư cho khoảng 150.000 người sinh sống và hơn 220.000 người làm việc thường xuyên. Khu Công nghệ cao hiện cũng đã đón nhiều tên tuổi lớn của ngành công nghệ tiên tiến trên thế giới đến đầu tư, và dự kiến sẽ được mở rộng. Theo các chuyên gia, việc xác định 8 khu vực chức năng sẽ tạo đột phá cho khu đô thị sáng tạo, và dự báo Thành phố Thủ Đức sẽ trở thành điểm đến lý tưởng thu hút đầu tư, góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng, kỹ thuật hiện đại. Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng nói thêm về những tiềm năng của Thành phố Thủ Đức, nhất là trong bối cảnh TPHCM triển khai chính quyền đô thị: “Quy hoạch phát triển của TPHCM gắn liền Khu Công nghệ cao và Đại học Quốc gia. Đây là sự đột phá để chuyển hướng kinh tế Thành phố vào công nghệ cao phù hợp với cách mạng 4.0”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM bày tỏ tin tưởng: “Thành phố Thủ Đức chúng ta mong đợi phát triển phù hợp xu thế công nghiệp 4.0. Là 1 đô thị tương tác cao, chúng ta có đủ điều kiện để hình thành phát trển như sự mong đợi”.

TP Thủ Đức
TP Thủ Đức: Ảnh: TTO

Theo đề án phát triển, thành phố Thủ Đức đi vào hoạt động sẽ tập trung được nguồn lực đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, hạn chế tối đa tình trạng đầu tư dàn trải. Đặc biệt, sau khi sáp nhập sẽ tạo nhiều cơ hội thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của địa phương, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động hợp lý, thu hút sự quan tâm đầu tư trong và ngoài nước. Bằng kinh nghiệm của mình, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn góp thêm ý tưởng: “Không phải xây dựng công trình không là đủ, không phải làm dự án là đủ. Chúng ta không nên làm da beo cho toàn thành phố mà chúng ta cần làm từng cụm hoàn chỉnh với đầy đủ chức năng phục vụ cho người dân và nguồn công ăn việc làm”.

Hạ tầng giao thông là một ưu điểm nổi bật của khu phía Đông TPHCM với hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm đã và đang được triển khai. Cùng với hầm sông Sài Gòn kết nối các tỉnh miền Tây Nam Bộ với cao tốc Long Thành- Dầu giây về sân bay Long Thành, và trong tương lai thì tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên sắp đi vào hoạt động, sẽ góp phần đáng kể trong việc đi lại của người dân vào khu vực trung tâm hiện hữu, làm giảm bớt áp lực cho Xa lộ Hà Nội. Bên cạnh đó một dự án giao thông quan trọng khác là Đại lộ Phạm Văn Đồng kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với quốc lộ 1A và các tỉnh miền Đông tạo nên sự thông thương hàng hóa dễ dàng. Đồng thời, sắp tới đây sẽ có nhiều dự án đường Vành đai được triển khai kết nối hệ thống metro, các cảng biển, đường hàng không. Tất cả sẽ tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn, thuận lợi cho phát triển logistic, vận chuyển hàng hóa và đi lại.

Chưa dừng lại ở đó, quan trọng hơn ở khu vực phía Đông (hay thành phố Thủ Đức hiện hữu) còn là nơi có một đội ngũ các nhà khoa học, sinh viên và các trường đại học lớn nhất cả nước, thậm chí là khu vực. Theo nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, đây chính là yếu tố cấu thành quan trọng nhất của khu đô thị sáng tạo tương tác cao và sẽ tạo ra một giá trị bền vững:

“So với tổng thể TPHCM thì Thủ Đức có nhiều tiền đề. TPHCM có 60 trường đại học, 50 cao đẳng 500 ngàn sinh viên, Thủ Đức có hơn 100 ngàn sinh viên. Không phải những ý tưởng độc lập tạo nên sự tương tác cao. Công nghệ cao riêng, khoa học riêng, đào tạo riêng, cuộc sống tốt riêng…Mà nó phải tồn tại trên một địa bàn và tương tác mạnh thì mới ra 1 trung tâm kinh tế 4.0 mạnh”

Bên cạnh cơ sở hạ tầng và tiềm lực tài chính để xây dựng thành phố Thủ Đức trở thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao, thì việc xây dựng cơ chế, bộ máy hành chính vận hành ra sao cho phù hợp với một thành phố trong thành phố cũng là một trong những vấn đề được các chuyên gia lưu ý. Vì trên thực tế không thể coi đây là một đơn vị hành chính cấp huyện như bao nhiêu quận huyện khác. Trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chính thức đề xuất: “ Để thành phố Thủ Đức thực sự trở thành cực tăng trưởng mới cho TPHCM và cả phía Nam kiến nghị Thủ tướng cho phép xây dựng cơ chế chính sách phù hợp. Kiến nghị cho phép Thành phố xây dựng hạ tầng khu dân cư phía Bắc để bổ sung công trình hạ tầng kĩ thuật phía Bắc, khu chức năng số 3 và số 4”.

Và ngay sau buổi làm việc thì Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý xây dựng cơ chế riêng cho thành phố Thủ Đức theo hướng tăng thẩm quyền phân cấp, phân quyền, thẩm quyền giám sát, kiểm tra, tổ chức lại bộ máy tinh gọn, linh hoạt hiệu quả hơn. Đây sẽ là một quyết định quan trọng để TPHCM phân cấp ủy quyền và trao thêm nhiều chức năng, quyền hạn, tạo ra một cơ chế phù hợp cho thành phố Thủ Đức phát triển đúng với mục tiêu đề ra sớm thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn để đưa thành phố Thủ Đức trở thành một trong những đô thị hàng đầu Việt Nam, hướng đến tầm khu vực và hạt nhân tăng trưởng cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tất cả đã sẵn sàng hướng đến một tương lai tốt đẹp cho sự phát triển của thành phố Thủ Đức. Vấn đề còn lại là những kế hoạch, những quyết sách, chủ trương đầu tư phát triển xứng tầm để thật sự biến vùng đất phía Đông TPHCM vươn lên tầm cao mới. Đây sẽ là nội dung được Phóng viên VOH đề cập trong bài 2 của loạt bài nhan đề “Đột phá từ tư duy đến hành động”.

Theo https://radio.voh.com.vn/

Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này:

viVietnamese
Scroll to Top